Từ khi làm công tác tôn giáo, tôi được hiểu thấu đáo hơn về hai chữ duyên, nghiệp.
1. Trong “Thuyết nhân duyên” có rất nhiều “duyên”, như: nhân duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên. Trong đó, "tương duyên" là sự liên hệ giữa mình và người khác. Trong tương duyên lại lý giải về nhiều mối quan hệ, lại có một lý thuyết về những cùng chí hướng, nghĩa là “cùng lo, cùng làm, cùng thao thức, cùng ưu tư” về một cái gì đó trong cuộc đời này, tương tự như từ “đồng chí” chúng ta vẫn thường dùng. Ở trong cuộc đời này, mỗi người thường có những ưu tư, thao thức riêng, nếu những thao thức đó tương đối là giống nhau với người khác thì dẫn đến sẽ cùng chia sẻ, giúp đỡ, cộng tác với nhau như thân bằng quyến thuộc.
Nhìn lại 30 năm công tác tôn giáo, nhất là 19 năm ở Ban Tôn giáo cấp tỉnh, tôi cảm nhận rất rõ về mối tương duyên này. Đó là thời kỳ, cho dù là Ban Tôn giáo Chính quyền, Ban Tôn giáo – Dân tộc hay Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), anh em, chú cháu cùng nhau sống đạm bạc, cùng lo lắng về công việc được giao, trên địa bàn một tỉnh có tỷ lệ người có đạo nhiều nhất nước, cùng ưu tư, mong muốn các quy định pháp luật về tôn giáo có thể đi vào cuộc sống, về chính sách đối với những người làm công tác “đặc thù”, và đây chính là mối tương duyên của một tổ chức, một cơ quan.
Quan hệ con người với con người, quan hệ con người với xã hội là những quan hệ chằng chịt, nếu không có duyên thì khó lòng gặp được nhau, hiểu được nhau, cảm được nhau. Tương duyên là tiền đề để dẫn tới thành công. Được làm việc với người nhân văn, có trí tuệ, thiết tha cống hiến cho cái chung đó là mối tương duyên lớn. Thật vậy, đây chính là thời gian tôi được sống, được cộng tác, được chia sẽ, được vui, buồn, được thành công lẫn thất bại trong sự nghiệp của mình. Và quan trọng hơn là được “tương duyên” với một tập thể “đồng lòng, đồng tâm, đồng trí, đồng cảnh”.
2. Theo Phật giáo “Chính nghiệp”: là việc làm, hành động chân chính có lợi cho nhân sinh, chính nghiệp là một trong “Bát chính đạo”. Còn theo tiếng Việt thì thực sự thâm thúy, là cả một triết lý sâu sắc! Từ ghép“nghề nghiệp” trong đó nghề để chỉ một công việc, một sự nghiệp. Ở đây, không bàn về từ “nghiệp” theo nghĩa “nghiệp chướng”. Vậy nghiệp là gì? Nói về nghề nghiệp, “nghiệp” được hiểu là những hành động lặp đi lặp lại, tạo thành thói quen, thành sở trường, thành kỷ năng và trở thành phương tiện để kiếm sống.
Cũng có thể hiểu, nghiệp là một cái “nợ” mà chúng ta phải trả, nợ này không ai đòi, không có chủ nợ cụ thể mà chúng ta tự thấy bản thân phải có "nợ”, phải có trách nhiệm với xã hội, với công việc. Tức là bên cạnh làm việc để có thu nhập cho bản thân, cho gia đình, chúng ta còn có trách nhiệm đóng góp, “trả nợ” cho xã hội. Có thể tóm gọn, mục tiêu chính của “nghề” là kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, nghiệp là trả “nợ” cho xã hội.
Tôi đến với “nghiệp” tôn giáo thật tình cờ, nhưng cũng là “tất yếu”, vào tháng 08/1986 khi UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Tôn giáo cấp huyện, là một Phó Chủ tịch, tôi đương nhiên là Trưởng ban (kiêm nhiệm), đến năm 1998 lại được nhận quyết định về Ban Tôn giáo Chính quyền tỉnh, thật là tình cờ và cũng “tất yếu”. Tình cờ vì lúc này chưa có quy hoạch cán bộ làm công tác tôn giáo, tất yếu bởi có một vài kinh nghiệm xử lý vụ việc liên quan tôn giáo, nói cách khác đó cũng là “duyên”.
Công tác tôn giáo có phải là một nghề không? Tiếc thay, qua 65 năm của bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo chưa ai khẳng định điều này. Với tôi thì là đó đúng là “nghiệp”, bởi vì nó đòi hỏi phải có kỹ năng riêng và nó chiếm hơn một nữa đời làm công chức của tôi. May mắn thay, trước khi làm công tác tôn giáo, tôi làm công tác an ninh (trong kháng chiến), làm công tác Đoàn, rồi công tác quản lý nhà nước, nghĩa là những kỹ năng cần thiết của nghề này, tôi ít nhiều từng trải. Thật vậy, xử lý một vụ việc liên quan đến tôn giáo, đòi hỏi tổng hợp những kỹ năng của cả 03 lĩnh vực nói trên, đối với từng người, đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan của cả hệ thống chính trị, đó là sự đồng bộ, nhịp nhàng, không “ông nói gà, bà nói vịt”, mới có thể đạt yêu cầu công việc.
Tất cả sự vật, hiện tượng trên thế giới này có mối quan hệ, tác động lẫn nhau không chỉ là nguyên lý triết học, nó là quy luật vận động của xã hội, của tự nhiên, không thể làm trái. Với cá nhân tôi cũng không thể khác. Từ mối tương duyên” tới “nghiệp công tác tôn giáo” của tôi diễn ra hợp quy luật, đó là hạnh phúc của mỗi con người.
Trần Thanh Hùng - Nguyên Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai