Là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích tự nhiên 5.907,2 km2, dân số trên 3,2 triệu người, Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, là một trong ba góc nhọn của tam giác phát triển (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai), có cơ cấu dân cư đa dạng, nhiều tôn giáo và đa dân tộc. Đối với tôn giáo, tỉnh Đồng Nai có 42 tổ chức thuộc 11 tôn giáo đang hoạt động với hơn 2,1 triệu tín đồ (chiếm 70% dân số); 9.936 chức sắc, tu sĩ; 21.628 chức việc; 1.786 cơ sở thờ tự . Trong đó, Phật giáo là tôn giáo có đông đảo chức sắc, tu sĩ, tín đồ và nhiều cơ sở thờ tự; toàn tỉnh có 01 triệu phật tử, 5.769 tăng, ni (2.712 tăng, 3.057 ni), 716 tự viện, hơn 1.000 am, cốc thuộc 15 tông môn, pháp phái .
Với phương châm nhập thế và đồng hành, gắn bó cùng dân tộc, tăng, ni Phật giáo Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước qua nghìn năm lịch sử. Ở Đồng Nai, cùng với Phật giáo cả nước, tăng ni Phật giáo tỉnh nhà có nhiều cống hiến cho phong trào cách mạng của tỉnh qua các thời kỳ. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều vị “cao tăng” đã tham gia cách mạng, nhiều chùa chiền là nơi che chở, cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ngày nay, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tăng, ni Phật giáo Đồng Nai tiếp tục có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trên các phương diện giáo dục, y tế, từ thiện xã hội:
* Về phương diện giáo dục
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 01 cơ sở giáo dục mầm non do tăng, ni Phật giáo đứng ra tổ chức, với 30 trẻ (từ 03 - 10 tuổi), khoảng 06 giáo viên, 10 nhân viên trợ giúp. Kinh phí hoạt động tại cơ sở này chủ yếu do cá nhân trụ trì tự viện tự bỏ ra hoặc do các mạnh thường quân hỗ trợ, số còn lại thu từ số học sinh đang tham gia học. Về phía chính quyền nhà nước, thường xuyên kiểm tra nhằm đảm bảo các điều kiện nuôi dạy trẻ, hỗ trợ một số mặt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, điện, nước, ... Các trẻ học tại đây sẽ được lo ăn uống, nuôi nấng, dạy chữ viết, học múa hát, cách giao tiếp ứng xử... Đây là những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần vừa nâng cao kiến thức, vừa hoàn thiện các kỹ năng sống cho trẻ; giúp hình thành nhân cách, đạo đức cho những công dân tốt trong xã hội sau này.
Bên cạnh hoạt động tại cơ sở giáo dục, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và nhiều cơ sở tự viện tại tỉnh Đồng Nai còn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương thông qua các hoạt động tặng quà (xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập, kinh phí,...) cho các học sinh nghèo hiếu học, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hàng năm, tăng, ni Phật giáo Đồng Nai cũng đóng góp vào quỹ khuyến học, khuyến tài của các địa phương trong tỉnh với tổng kinh phí trung bình mỗi năm lên đến hơn 16 tỷ đồng.
Giáo dục phật học cũng là điểm nổi bật trong hoạt động phật sự của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai thông qua công tác đào tạo tăng tài của Trường Trung cấp Phật học , bình quân mỗi khóa từ 300 - 400 tăng, ni sinh tham gia. Tại môi trường giáo dục này, tăng, ni sinh không chỉ được trang bị kiến thức phật học mà còn được bổ sung nhiều kiến thức về mặt xã hội như: lịch sử, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ,... Ngoài việc tham gia tu học tại Trường Trung cấp Phật học của tỉnh, nhiều tăng, ni Phật giáo Đồng Nai được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện giới thiệu, cử tham gia các khóa đào tạo ở các trường phật học, các trường đại học trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên môn trong các lĩnh vực của xã hội. Thành quả công tác giáo dục của Phật giáo Đồng Nai vừa xây dựng đội ngũ tăng, ni kế cận lâu dài của Giáo hội, vừa đóng góp quan trọng nguồn nhân lực tri thức cao cho xã hội với những nhà tu hành là những con người "chân - thiện - mỹ”.
* Về phương diện y tế
Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở y tế trực thuộc các tự viện của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, với đội ngũ bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế gần 200 người. Hoạt động khám, chữa bệnh dưới các hình thức: tuệ tĩnh đường, phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng bốc thuốc đông y. Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và duy trì hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc của các cơ sở y tế chủ yếu từ tài sản của cá nhân tăng, ni và các nguồn hỗ trợ của mạnh thường quân, phật tử trong và ngoài địa bàn. Với mục đích, ý nghĩa nhân đạo, từ thiện, các cơ sở y tế do tăng, ni Phật giáo quản lý gần như miễn phí hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Do vậy, tuy cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu hiện đại, nhưng với sự chăm sóc chu đáo của đội ngũ thầy thuốc trên tinh thần thiện nguyện, số lượng người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Phật giáo ngày càng đông, tỷ lệ người khỏi bệnh, giảm bệnh ngày càng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động khám chữa bệnh.
Có thể khẳng định, dù chưa tương xứng với tiềm năng của Phật giáo ở địa bàn, nhưng hoạt động xã hội trên lĩnh vực y tế của tăng, ni và Giáo hội Phật giáo các cấp ở Đồng Nai đã góp một phần quan trọng cùng đảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho quần chúng nhân dân tỉnh nhà.
* Về phương diện từ thiện xã hội
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thực hiện lời dạy của Đức Phật “Sự vui khổ của người xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ cho nhau đấy là lòng từ bi”, trong nhiều năm qua, tăng, ni và đồng bào phật tử tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động vừa định kỳ, vừa thường xuyên, liên tục nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Thượng tọa Thích Nguyên Thông - Phó Ban từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban từ thiện xã hội GHPGVN huyện Long Thành; Trụ trì Thiền tự Phước Quang xã Phước Thái, huyện Long Thành thực hiện công tác từ thiện xã hội
Hoạt động từ thiện xã hội là thế mạnh của Phật giáo Đồng Nai, với số người tham gia đông và lượng vật chất ủng hộ lớn. Tính đến cuối năm 2020, Phật giáo Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào hoạt động 27 cơ sở từ thiện xã hội, bảo trợ gần 2.000 trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo,... Các trẻ em sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài việc được lo ăn, học, còn được dạy nghề, kỹ năng sống, học văn hóa, đạo đức. Nhiều trẻ em ở đây khi trưởng thành trở thành những công dân tốt, hữu ích cho cộng đồng, xã hội.
Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ sở tự viện trên địa bàn đã chung tay thực hiện nhiều cuộc vận động nghĩa tình, tổ chức và tham gia nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ (lương thực thực phẩm, quần áo, thuốc men, kinh phí...) cho người nghèo, người bị thiên tai bão, lũ; thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa (xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ gia đình chính sách,...); bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu,… với số tiền mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng .
Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Trụ trì Viện Chuyên tu bàn giao nhà tình thương tại xã Lộc An, huyện Long Thành
Năm 2020, bên cạnh sự hoành hành của đại dịch Covid - 19, đồng bào miền Trung liên tiếp chống chọi với bão, lũ; đồng bào Tây Nam bộ đối mặt hạn hán, xâm ngập mặn; đồng bào các tỉnh miền núi và trung du bị ảnh hưởng của nạn sạt, lở... gây nhiều tổn thất nặng nề cả tính mạng, sức khỏe con người và tài sản. Tiếp nối truyền thống“hộ quốc an dân”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, tăng, ni và phật tử Đồng Nai đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào bằng nhiều hình thức khác nhau với tổng số kinh phí lên đến hơn 180 tỷ đồng. Nghĩa cử đó của đồng bào Phật giáo Đồng Nai không chỉ thể hiện tinh thần “từ bi” của Phật pháp, mà đó còn là sự đoàn kết, tương thân, tương ái - truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai ủng hộ quỹ phòng chống COVID-19 năm 2020
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động xã hội của Phật giáo Đồng Nai chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tăng, ni và đồng bào Phật tử trên địa bàn; những khó khăn, hạn chế đó thể hiện trên một số vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoạt động xã hội của Phật giáo Đồng Nai tuy nhiều, nhưng chủ yếu tự phát từ tăng, ni ở từng cơ sở tự viện với hoạt động chủ yếu là từ thiện xã hội thông qua các hoạt động quyên góp hỗ trợ nên thiếu chiều sâu, tính hệ thống và định hướng phát triển lâu dài. Tuy là khập khiểng khi so sánh hoạt động xã hội giữa các tôn giáo khác nhau, nhưng ở phương diện này, có thể khẳng định Giáo hội Công giáo ở Đồng Nai thực hiện căn cơ, bài bản, nhất là khi họ thiết lập được rất nhiều cơ sở giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội đặt dưới sự quản lý, điều hành thống nhất của Giáo hội. Vì vậy, so về tiềm lực có thể Công giáo không lớn hơn Phật giáo, nhưng hiệu quả khai thác và phát huy nguồn lực trong hoạt động xã hội của Giáo hội Công giáo đạt hiệu quả cao. Đây là phương diện mà tăng, ni và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có Phật giáo Đồng Nai cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, xây dựng giải pháp khai thác có hiệu quả cao nhất nguồn lực của Phật giáo để đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, mặc dù, truyền thống “hộ quốc, an dân”, tinh thần “nhập thế, đồng hành cùng dân tộc” được nhiều thế hệ “tiền bối” của Phật giáo Việt Nam truyền thừa. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” làm mục tiêu, đường hướng hoạt động. Tuy nhiên, còn một bộ phận tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thiếu quan tâm, thậm chí thờ ơ với những khó khăn của đời sống xã hội, ít tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội do cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động. Mặt khác, một số nơi, tăng, ni Phật giáo dồn hết mọi nguồn lực vật chất để đầu tư xây dựng cơ sở thờ tự và các công trình phụ trợ với quy mô "hoành tráng”, vượt xa nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tăng, ni và đồng bào phật tử. Những biểu hiện đó của tăng, ni chưa thể hiện đầy đủ tinh thần "Phật giáo Việt Nam”, đã phần nào ảnh hưởng đến phong trào chung của Giáo hội, đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai cần quan tâm tu chỉnh.
Thứ ba, chủ trương phát huy nguồn lực tôn giáo đóng góp cho sự phát triển đất nước được thể hiện rõ trong nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhưng chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành pháp luật. Mặt khác, quy định của Hiến chương và Nội quy các ban, ngành Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập so với quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động phật sự, hoạt động xã hội của tăng, ni, của các tự viện. Hai nội dung trên đã hạn chế vai trò của tăng, ni và đồng bào phật tử trong việc tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong việc phát huy nguồn lực đóng góp nhiều hơn cho thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và của đất nước. Do vậy, về phía các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong khai thác tối đa nguồn lực của Phật giáo đóng góp chung cho sự phát triển đất nước, phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Là địa bàn có đông đảo tăng, ni và đồng bào phật tử, trong nhiều năm qua, Phật giáo Đồng Nai đã có nhiều đóng tích cực trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện xã hội,... Những đóng góp quý báu của tăng, ni và đồng bào phật tử luôn được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai trân trọng ghi nhận, biểu dương. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định đòi hỏi phải khắc phục, tháo gỡ để nguồn lực của Phật giáo được đóng góp hiệu quả nhiều hơn cho xã hội. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ:“Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, với trách nhiệm được giao, chắc chắn rằng các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước sẽ điều chỉnh, ban hành các quy định, hướng dẫn; đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng, ni, đồng bào phật tử sẽ tham gia sâu, rộng hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh trong buổi gặp gỡ đầu Tân Sửu 2021
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã thực hiện, chúng tôi những người làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của tỉnh Đồng Nai tin tưởng rằng, cùng với Phật giáo Việt Nam, tăng, ni và đồng bào phật tử tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, phát huy tích cực truyền thống "hộ quốc, an dân”, thực hiện tốt phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển đất nước như đường lối của Đảng và mục tiêu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn./.
Lại Thị Quốc Toàn - BTG